Đang tải dữ liệu...
CLB Tình Nguyện Dấu Chân Việt

Tôi yêu áo dài

Đăng lúc: Thứ ba - 24/11/2015 16:23 - Đã xem: 2085 lần. Kích cỡ chữ Giảm Tăng

Nếu như phụ nữ Nga có trang phục truyền thống là sarafan và váy dài poneva, phụ nữ Ấn Độ có trang phục saree, phụ nữ Hàn Quốc có những bộ hanbok rực rỡ hay Trung Quốc có xường xám và đường trang... thì phụ nữ Việt Nam luôn tự hào với tà áo dài truyền thống không kém phần duyên dáng.
 


Tôi không biết mình đã yêu tà áo dài tự bao giờ. Có lẽ từ khi còn là một cô nữ sinh trung học. Tôi mê mẩn điệu nhạc Matsuri của Kirato và những bộ áo dài của nhà thiết kế Minh Hạnh được thướt tha trên sàn catwalk, trong một chương trình Thời trang & Cuộc sống, phát trưa ngày thứ 7 khi đó. Nhạc của Kirato được coi là điệu nhạc của tâm linh khi đưa con người đến tận cùng của sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Đó cũng là lý do mà cho đến tận bây giờ; với tôi, giai điệu tuyệt vời của bản hòa tấu này luôn là nhạc nền trình diễn áo dài hoàn hảo nhất. Matsuri như là chút sương khói bảng lảng và huyền bí; như thể một "bức tranh bằng âm thanh" được hiện ra chầm chậm để đi vào lòng người một cách đầy tự nhiên và khoan thai.

Ngày nay, để sắm cho mình một chiếc áo dài thì thật lắm công phu. Đầu tiên là chọn được một mảnh vải cho thật ưng ý với chất liệu và họa tiết yêu thích. Sau đó, là lựa được một nhà may tốt... Tôi vẫn thường may áo dài của nhà may Ngọc Liên ở Hải Phòng, cũng là một người quen của mẹ (cô là người từng may bộ áo dài và áo tứ thân để trình diễn tài năng cho Hoa hậu Việt Nam 2002 Phạm Mai Phương). Tôi thích cách mà cô nghiêng đầu khi đo; cách tay cô nhẹ nhàng và tháo vát cầm chiếc dây; và những câu chuyện thú vị của cô về tà áo dài với một tình yêu và niềm đam mê thực sự.


Tôi nhớ trong những câu chuyện ấy, cô từng nói với tôi về chất liệu và màu sắc luôn có những ý nghĩa riêng. Chất liệu tượng trưng cho bốn mùa quanh năm: xuân là gấm, hè là chất tơ tằm, thu là voan và nhung là mùa đông. Còn màu sắc áo thì tượng trưng cho dọc suốt ba miền của đất nước: màu hồng của hoa đào là ở miền Bắc, Miền Trung có màu tím của cố đô Huế mộng mơ, và miền Nam có sắc mai vàng rực rỡ. Tôi thích nghe câu chuyện về số đo các vòng của cô... với tỉ lệ 0,6-0,7 của vòng 2/vòng 3 là đẹp nhất.
 

Riêng tôi, trong rất nhiều chất liệu như lụa Hàng Châu, voan, nhung, taffetta, đũi hay ren... thì tôi ưa thích nhất lụa tơ tằm mềm mại, trên thêu họa tiết hình hoa sen trải dài khắp tà áo trước. Nó rất truyền thống và rất "Việt Nam"! Những tà áo lụa sẽ bay bay nhẹ nhàng trong từng nhịp bước và những làn gió thoảng qua... Chiếc áo dài ôm sát cơ thể tôn lên những đường cong gợi cảm và xẻ thành hai tà ở phía dưới cho những bước đi thềm phần uyển chuyển và thướt tha hơn.

Tôi thích cách người ta khen "như một thứ đồ cổ" khi mặc những chiếc áo dài ấy. Áo dài lụa trắng, thêu họa tiết hoa sen hồng phấn, đeo thêm chiếc kiềng bạc và vấn tóc là một sự kết hợp thật tuyệt vời!

Dạo trước, trời còn hửng nắng, tôi thường hay đi chụp ảnh với áo dài. Tôi đến mê những bức ảnh chụp chân dung mình trên nền hồ Gươm xanh biếc thăm thẳm. Tôi thích cách mình ngồi nhẹ nhàng sửa tóc trên bãi cỏ đường Kim Mã, thích cách gương mặt mình biểu hiện cảm xúc như là "ngồi thiền" ở Văn Miếu với những ô cửa chấn song là gỗ đỏ... Và mỗi khi đi chụp ảnh, tôi thường chọn mua một nhúm hoa như là "đạo cụ" đi kèm.
 


Khi là hoàng lan ruộm vàng, khi là thạch thảo li ti trắng muốt, hoa sao mong manh hay salem tím biếc, nhưng tôi thích nhất là hoa sen. Một loài hoa nhân sinh biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc với đầy đủ ý nghĩa của Phật giáo, âm dương ngũ hành... Cũng chẳng phải vô cớ mà Phật giáo lấy hoa sen làm biểu tượng Phật đài và hình ảnh Đức Phật ngự trên đài sen.
 


"Thuở ấy, có một người con gái trong chiếc áo lụa trắng rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Đại học Văn hóa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng mùa mưa cũng theo qua... " (trích lời cố nhạc sĩ Trinh công Sơn nói về tình khúc Diễm xưa). Và tôi lại xao xuyến trong dòng nhạc Trịnh bất hủ qua giọng ca đầy chất "liêu trai" của Khánh Ly. Để cũng như cố nhạc sĩ, những bước chân ấy lại mang đôi chút vấn vương mãi không thôi...

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua.
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa...

Những tin mới hơn

Hình ảnh
  • Lương Trang
    Quận 8 - TP Hồ Chí Minh
Bộ đếm
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 142
  • Hôm qua: 78
  • Tuần này: 509
  • Tháng hiện tại: 2239
  • Tổng lượt truy cập: 416624