Nói là làm, sau khi nhóm được thành lập vào tháng 11/2014, các thành viên bắt đầu quảng bá thông tin về nhóm trên Internet và nhận được sự quan tâm từ những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Để thuận tiện liên lạc, My và các bạn đã chia sẻ địa chỉ email và số điện thoại trên trang facebook. Dần dần, một số người có nhu cầu tìm đến học, người này “rỉ tai” người kia. Cứ thế mà thông tin về nhóm dần phổ biến hơn trong cộng đồng người nước ngoài tại Đà Nẵng.
Với người nước ngoài, tiếng Việt là một trong số những ngôn ngữ phức tạp, đặc biệt rất khó khăn khi tập phát âm những từ có các âm như “kh”, “ng” hoặc “th” vì những âm này không có trong tiếng Anh, bên cạnh đó việc lắp ghép câu từ sao cho hợp lý cũng không hề dễ dàng. “Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng gặp một số trở ngại, cụ thể là khác biệt về văn hóa và lối sống nên trong quá trình dạy cũng khó tiếp cận họ. Nhiều vấn đề mình nói ra họ lại không hiểu nên phải cố gắng giảng giải thật rõ ràng, chậm rãi”, My tâm sự.
Những trở ngại ban đầu đó không ngăn được sự nhiệt tình của những người trẻ và nhu cầu chân thành từ những người bạn phương xa. Những buổi học diễn ra trong không khí hòa nhã, vui vẻ. Mỗi học viên sau khi học xong lại trở thành những người bạn thân quen với các thành viên trong nhóm. Đó là một trong những điều mà My và các bạn mong đợi từ lúc lập nhóm đến bây giờ.
Mỗi buổi học đều diễn ra trong không khí thân thiện, vui vẻ.
Giao lưu văn hóa từ những điều bình dị
Những học viên của nhóm đến từ nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển… Mỗi thành viên của nhóm sẽ được phân công hướng dẫn tiếng Việt cho một học viên. Mỗi khóa học như vậy kéo dài 3 tháng với 2 suất dạy mỗi tuần. Học viên sau khi kết thúc khóa học có thể nói những câu tiếng Việt giao tiếp cơ bản trong đời sống như chào hỏi, mua bán, có thể tự giới thiệu bản thân và phần nào hiểu thêm về văn hóa Việt Nam từ chính những ngôn từ luyến láy đậm bản sắc Việt. Và một điều đặc biệt là họ còn được học những bài hát thiếu nhi quen thuộc như Bắc kim thang, Con cò bé bé…
Chính vì tiêu chí “tất cả đều miễn phí”, thời gian học linh động nên cả người dạy và người học đều thoải mái và cởi mở hơn rất nhiều. Đó là điều mà những học viên ngoại quốc không dễ gì có được khi theo học tiếng Việt tại những trung tâm.
Không chỉ dừng lại ở đó, sau mỗi buổi học, các học viên và thành viên trong nhóm lại có những buổi tụ tập cùng nhau nấu ăn, ca hát, nói chuyện và chia sẻ về những vấn đề trong cuộc sống. Các bạn trong nhóm lại có dịp biết thêm những món ăn mới, những bài hát hay, những câu chuyện thú vị từ những người bạn ngoại quốc.
Bước vào một quán ăn Âu-Mỹ nằm trên đường Đống Đa, chúng tôi gặp anh Jean-Luc Briastre, một doanh nhân người Pháp và là một học viên của Teach Vietnamese. Quán ăn của anh là một trong những quán đặc biệt ở Đà Nẵng với đội ngũ nhân viên là những người khiếm thính, khuyết tật. Nhờ sự giúp đỡ của My và các bạn mà công việc của anh cũng bớt đi một phần khó khăn.
“Tôi muốn giao tiếp, mở rộng mối quan hệ với khách hàng bản xứ bằng tiếng Việt, để thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của họ và giúp những người khuyết tật có cơ hội làm việc. Đó là lý do để tôi học tiếng Việt, mặc dù rất khó!”, Jean vui vẻ chia sẻ.
Suy nghĩ của Jean cũng là suy nghĩ của những người ngoại quốc đã và đang học tiếng Việt với Teach Vietnamese. Với họ, được tiếp xúc, thấu hiểu những người Việt bản xứ, được tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam đã là một điều thú vị. Còn với các thành viên, bên cạnh cơ hội chia sẻ với bạn bè quốc tế về bản sắc đất nước mình, điều quý giá nhất các bạn có được chính là những người bạn mới,những trải nghiệm văn hóa mới, là lợi ích kép mà nhóm đã hướng tới từ đầu.